BỆNH VIỆN BẮC THĂNG LONG
BAC THANG LONG HOSPITAL

(84) 889 615 815

Email: thugopy.bvbtl@gmail.com

Ca ghép phổi siêu khó lần đầu tiên Việt Nam làm được: Nhật Bản đưa tin, y khoa toàn cầu đánh giá cao

8 năm trước, ghép phổi được đánh giá là một kỹ thuật khó, chỉ một số quốc gia trên thế giới làm được. Tuy nhiên, thời điểm đó, Việt Nam đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi.

2 người cùng hiến 1 phần lá phổi để bé 7 tuổi có cả 2 lá phổi

Theo các chuyên gia, để thực hiện ghép phổi, các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Sau ghép, việc chăm sóc để phổi ghép đủ khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi ngay khi được cắt ra, phổi sẽ bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cũng cao hơn các tạng khác.

“Ghép phổi là kỹ thuật ghép tạng khó nhất”, bác sĩ Trần Bình Giang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã từng chia sẻ.

Cách đây 8 năm, ghép phổi là một kỹ thuật khó không chỉ với Việt Nam mà trên thế giới. Tuy nhiên, Bệnh viện Quân y 103 đã quyết tâm thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam.

 - Ảnh 1.

Ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh nhân của ca ghép là cháu Ly Chương Bình (7 tuổi, quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Bình được chẩn đoán giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ III, có chỉ định tuyệt đối để ghép phổi.

Nếu không được phẫu thuật ghép phổi thì Bình có tiên lượng tử vong cao. Hai người tình nguyện hiến 1 phần lá phổi cho Bình là bố em (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) để tạo thành 2 lá phổi cho em.

Ngày 21/2/2017, các bác sĩ của bệnh viện Quân y 103 đã phối hợp với một số bệnh viện và chuyên gia Nhật Bản và thực hiện thành công ca ghép phổi cho Bình. Trong ca ghép, Bình được cắt bỏ bộ 2 lá phổi bệnh, sau đó ghép 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy từ bác ruột.

Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 11 giờ và được đánh giá là thành công. Sau 2 ngày ghép phổi, Bình đã được rút ống nội khí quản và tự thở được. Bình tỉnh táo, nói chuyện được, các chỉ số sinh học ổn định.

Ca ghép phổi với nhiều khó khăn

Ca ghép phổi từ người hiến còn sống đầu tiên tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế và được đánh giá cao trong cộng đồng y khoa toàn cầu.

Ca ghép này được đánh giá khó vì người cho là 2 người khác nhau (bố và bác của bệnh nhân) trong khi các ca ghép khác chỉ cần một người. Do đó, áp lực từ những người làm chuyên môn là rất lớn. Một khó khăn khác nữa là thể trạng của Bình rất yếu, do mắc bệnh từ nhỏ nên các cơ quan như tim của em cũng bị ảnh hưởng. Bình bị suy dinh dưỡng, 7 tuổi mà chỉ có 14kg.

Ngoài ra, một khó khăn khác là nguy cơ nhiễm khuẩn phổi cao. Do phổi là cơ quan hô hấp cung cấp oxy cho cơ thể, hít thở với không khí bên ngoài nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Nếu công tác khử khuẩn phòng mổ, công tác hậu phẫu không đảm bảo vô trùng thì phẫu thuật sẽ có nguy cơ thất bại.

Trước khi thực hiện ca ghép phổi này, bệnh viện quân y đã cử các bác sĩ sang Nhật học kinh nghiệm ghép phổi, từ khâu gây mê, phẫu thuật tới chạy máy để đảm bảo ca ghép thành công.

 - Ảnh 2.

Bệnh nhi được lãnh đạo Bộ Y tế thời điểm đó tới thăm hỏi.

Trường Đại học Okayama, Nhật Bản đã cử một đội ngũ chuyên gia đến hỗ trợ ca phẫu thuật và công bố thông tin về sự thành công của ca ghép này trên trang tin chính thức của họ. Một số báo chí quốc tế cũng đã đưa thông tin về thành công của ca ghép phổi từ người hiến còn sống đầu tiên tại Việt Nam. Điều này không chỉ phản ánh tầm quan trọng của sự kiện mà còn ghi nhận bước tiến đáng kể của y học Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặt Lịch Khám

    Đặt Lịch Khám