BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA
VDCĐ là 1 bệnh viêm da có ngứa, mạn tính hay tái phát với tổn thương thay đổi theo lứa tuổi. Bệnh VDCĐ được biết đến từ lâu với nhiều tên gọi khác nhau: chàm thể tạng, chàm trẻ ấu thơ (infantile eczema), hoặc sẩn ngứa thể tạng (sẩn ngứa Besnier), chàm nếp gấp, viêm da thần kinh lan tỏa, lichen đơn giản mạn tính.
Đa số trường hợp bệnh bắt đầu từ tuổi ấu thơ, triệu chứng điển hình của bệnh là tổn thương da khô kèm theo ngứa.
- Dịch tễ học
VDCĐ là bệnh rất thường gặp.
Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỷ lệ mắc trong cộng đồng. Theo thống kê của Viện Da liễu từ năm 1995- 2000 VDCĐ chiếm khoảng 4,2% các bệnh và tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi chiếm 79.9% trong tổng số VDCĐ trẻ em.
Tỷ lệ nữ/nam không có sự khác biệt rõ, có một vài báo cáo nam mắc nhiều hơn nữ.
- Các yếu tố ảnh hưởng
Thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm: Bệnh nhân VDCĐ không chịu đựng được sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Không khí lạnh làm giảm độ ẩm ở môi trường sống. Da trở nên khô, ít mềm, dễ bị tổn thương và dễ bị kích thích hơn. Khi có ngứa, tổn thương da xuất hiện.
Tiếp xúc với các chất kích thích: Len, các hóa chất công nghiệp và gia dụng, mỹ phẩm, xà phòng và bột giặt làm tăng kích thích và viêm da trong VDCĐ. Hút thuốc lá cũng làm tăng tổn thương chàm ở mi mắt.
Các dị nguyên hô hấp (aerolergen): Mạt bụi nhà và các dị nguyên hô hấp khác có thể là lông thú vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc vv…
Các dị nguyên thức ăn: là sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, cá, lạc, đậu.
Tụ cầu vàng.
Yếu tố thần kinh, đặc biệt là các sang chấn tinh thần ảnh hưởng đến quá trình viêm của bệnh nhân VDCĐ .
3.Biểu hiện lâm sàng:
Ngứa và tổn thương da là triệu chứng nổi bật của VDCĐ. Ngứa nhiều từng cơn trong ngày và thường trội lên vào tối và đêm với hậu quả là cào, gãi, sẩn ngứa, lichen hóa . Tổn thương VDCĐ thường chia làm 3 giai đoạn:
. Thời kỳ ấu thơ (infantile phase): từ lúc sinh đến 2 tuổi.
Thường gặp ở trẻ 2 – 3 tháng tuổi.
Thương tổn cơ bản là các mụn nước tập trung thành từng đám. Các mụn nước tiến triển qua các giai đoạn:
Giai đoạn tấy đỏ: da đỏ, ngứa và có các mụn nước nhơ li ti như hạt kê.
Giai đoạn mụn nước: trên nền da đỏ xuất hiện nhiều mụn nước bằng đầu đinh ghim, tập trung thành từng đám dày đặc.
Giai đoạn đóng vảy: các dịch khô dần, đóng vảy tiết màu nâu nhạt. Nếu có bội nhiễm vảy dày màu nâu.
Giai đoạn bong vảy da: vảy tiết bong để lại lớp da mỏng, dần dần bị nứt ra bong thành các vảy da mỏng trắng, da trở lại bình thường.
Vị trí hay gặp ở má, trán, cằm. Tuy nhiên tổn thương có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng,… và có tính chất đối xứng.
Trẻ bị VDCĐ thường ngủ kém do ngứa và hay gặp dị ứng thức ăn hơn lứa tuổi khác.
Thời kỳ trẻ em (childhood phase): từ 2 – 12 tuổi
Hay gặp nhất là lứa tuổi từ 2-5 tuổi.
Tổn thương là các sẩn nổi cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác. Dày da, lichen hóa. Có thể gặp các mụn nước tập trung thành đám.
Vị trí tổn thương: mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt. Thương tổn có thể ở một bên hoặc đối xứng [10].
Thời kỳ thanh thiếu niên và người lớn (Adolescent and adult phase):
Trên 12 tuổi.
Bệnh tiến triển từ giai đoạn trẻ em sang. Một số phát ở tuổi dậy thì, một số phát ở tuổi lớn hơn.
Thương tổn là các sẩn nổi cao hơn mặt da, rải sác hoặc thành đám. Có thể có một số vết xước do gãi.
Vị trí khu trú của thương tổn hay gặp ở nếp gấp như khoeo chân, khuỷu tay, cổ tay, vùng sinh dục hậu môn, núm vú,…
Giai đoạn này bệnh nhân ít bị ảnh hưởng của dị nguyên thức ăn nhưng lại chịu nhiều ảnh hưởng của dị nguyên hô hấp, thay đổi khí hậu, môi trường, sang chấn tâm lý.
Một số biểu hiện khác của VDCĐ:
Khô da trong VDCĐ do suy giảm chức năng của hàng rào da dẫn đến mất nước qua da. Da khô gặp tất cả các lứa tuổi.
Chứng da vẽ nổi trắng.
Viêm môi: thường bị ở môi trên, cũng có khi bị cả hai môi. Môi khô, nứt nẻ và bong vảy.
Đục thủy tinh thể dưới bao trước: gặp ở một số bệnh nhân VDCĐ.
Thâm quanh mắt hay quầng tối quanh mắt: Da vùng quanh mắt bị thâm lại nhất là mi dưới. Hay gặp trong nhiều bệnh cơ địa dị ứng.
Dày đường chỉ lòng bàn tay: Xuất hiện từ lúc sinh, ngày càng tăng theo tuổi và tăng theo độ nặng của bệnh.
Dày sừng nang lông: Dày sừng nang lông có thể gặp ở người bình thường và nặng lên trên bệnh nhân VDCĐ.
Viêm kết mạc tái phát: Mắt bị xung huyết, cộm và ngứa trong mắt. Có thể gây phù nề ở ngoài mi mắt.
Vảy phấn trắng.
Mặt tái.
Nếp dưới mi mắt của Dennie-Morgan.
Giác mạc hình chóp.
Vảy cá thông thường.
Bệnh tiến triển dai dẳng, thành từng đợt cấp, mạn tính .Có khoảng 40-60% trẻ khỏi trước 18 tháng tuổi, đặc biệt những trường hợp nhẹ ,84% trẻ khỏi bệnh ở lứa tuổi niên thiếu.
Chẩn đoán VDCĐ dựa vào lâm sàng theo bộ tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka 1980 trong đó bệnh nhi phải đạt ≥ 3 triệu chứng chính và ≥ 3 triệu chứng phụ.
– Bốn triệu chứng chính:
Ngứa
Hình thái phân bố điển hình
Trẻ em: Mụn nước tập trung thành đám ở mặt.
Trẻ lớn và người lớn: Các mảng lichen hóa thường ở nếp gấp. 3) Viêm da mạn tính hoặc tái phát.
Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị bệnh cơ địa như: hen phế quản, viêm mũi dị ứng, VDCĐ.
– 23 triệu chứng phụ
Khô da
Vảy cá thông thường
Phản ứng da tức thì
Tuổi phát bệnh sớm
Tăng IgE huyết thanh
Dễ nhiễm trùng da
Viêm da bàn tay bàn chân không đặc hiệu
Chàm núm vú
Viêm môi
Viêm kết mạc tái phát
Nếp dưới mi mắt của Dennie Morgan
Giác mạc hình chóp
Đục thủy tinh thể dưới màng bọc trước
Thâm quanh mắt
Ban đỏ, ban xanh ở mặt
Vảy phấn alba
Nếp lằn cổ trước
Ngứa khi ra mồ hôi
Không chịu được len và chất hòa tan mỡ
Dày sừng nang lông
Dị ứng thức ăn
Tiến triển của bệnh có ảnh hưởng bởi yếu tố tinh thần và môi trường
Da vẽ nổi trắng
5.Điều trị
Hạn chế tác động của các yếu tố kích thích
Các thuốc tại chỗ:
Thuốc bôi corticosteroid
Kháng sinh tại chỗ.
Chất ức chế calcineurin tại chỗ: gồm tacrolimus và pimecrolimus.
Quang trị liệu: được chỉ định cho VDCĐ ở các mức độ bệnh. Sử dụng các tia UVA, UVB dải hẹp hoặc kết hợp UVAB để bổ xung cho điều trị VDCĐ .
Các thuốc dùng toàn thân
Thuốc kháng histamin
Kháng sinh toàn thân.
Corticosteroid toàn thân
Các thuốc ức chế miễn dịch đường uống
Interferon
Giải mẫn cảm
Lợi khuẩn: nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng lactobacillus cải thiện VDCĐ ở trẻ nhỏ.
Vitamin D: một số nghiên cứu gợi ý đến vai trò của vitamin D đường uống với miễn dịch tự nhiên trên bệnh nhân VDCĐ.
- Phạm Văn Hiển (2001), Tình hình chàm thể tạng tại Viện Da Liễu từ 1995 – 2000. Nội san Da Liễu, 1-9.
- Trần Văn Trung (2001), Tình hình, đặc điểm lâm sàng, các yếu tố liên quan của bệnh viêm da cơ địa trẻ em tại Viện Da liễu Việt Nam 1995-2001. Luận văn Thạc sĩ Y học.
- Bộ môn Da liễu Đại học Y Hà Nội (2014), Viêm da cơ địa. Bệnh học Da liễu, Nhà xuất bản Y học, 75-83.
- Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Weber T.M., HerndonJ.H., Ewer M., et al (2015), Efficacy and Tolerability of Steroid-free, Over- the-Counter Treatment Formulations in Infants and Children With Atopic Dermatitis. J Dermatol nurse Assos, 7(1), 17-24.
Tin, bài: ThS.Bs.Nguyễn Thị Thu Nhiên – Khoa Khám Bệnh Bệnh viện Bắc Thăng Long